Hoạt động của Đại hội Đại_hội_Đảng_Cộng_sản_Việt_Nam_VI

Đại hội đã thảo luận và thông qua Nghị quyết về các văn kiện như: Báo cáo chính trị; Phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 1986 - 1990; Báo cáo về bổ sung điều lệ Đảng.

Đại hội đã đánh giá những thành tựu, những khó khăn của Việt Nam do cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội tạo ra. Những sai lầm kéo dài của Đảng về chủ trương, chính sách lớn về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện, khuynh hướng tư tưởng chủ yếu của những sai lầm đó, đặc biệt sai lầm về kinh tế, là bệnh chủ quan duy ý chí, lối suy nghĩ về hành động đơn giản, nóng vội chạy theo nguyện vọng chủ quan, là khuynh hướng trong buông lỏng quản lý kinh tế, xã hội, không chấp hành nghiêm chỉnh đường lối nguyên tắc của Đảng, đó là tư tưởng vừa tả khuynh vừa hữu khuynh.

Đại hội đã thông qua bản Điều lệ Đảng đã sửa đổi và bầu Ban Chấp hành trung ương khóa VI gồm 124 Ủy viên chính thức và 49 Ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu Bộ Chính trị gồm 13 Ủy viên chính thức, 1 Ủy viên dự khuyết. Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Báo cáo chính trị

Báo cáo chính trị nêu ra bốn bài học kinh nghiệm lớn. Báo cáo xác định nhiệm vụ bao trùm, mục tiêu tổng quát trong 5 năm còn lại của chặng đường đầu tiên là ổn định mọi mặt tình hình kinh tế - xã hội, tiếp tục xây dựng những tiền đề cần thiết cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong chặng đường tiếp theo.

  1. Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng "lấy dân làm gốc".
  2. Đảng phải luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan.
  3. Phải biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới.
  4. Chăm lo xây dựng Đảng ngang tầm với một đảng cầm quyền lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Mục tiêu kinh tế - xã hội

Mục tiêu cụ thể cho những năm còn lại của chặng đường đầu tiên:

  • Sản xuất đủ tiêu dùng và có tích lũy.
  • Bước đầu tạo ra cơ cấu kinh tế hợp lý nhằm phát triển sản xuất.
  • Xây dựng và hoàn thiện một bước quan hệ sản xuất mới phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.
  • Tạo chuyển biến tốt về mặt xã hội.
  • Bảo đảm nhu cầu củng cố quốc phòng và an ninh.

Đổi mới

Đổi mới ở đây không phải là thay đổi mục tiêu chủ nghĩa xã hội mà được hiểu là thay đổi cách thức để đạt được mục tiêu chủ nghĩa xã hội.

Đổi mới về kinh tế
  • Xóa bỏ kinh tế bao cấp, thực hiện cơ cấu kinh tế nhiều thành phần
  • Đổi mới về cơ chế quản lý kinh tế: cơ chế kế hoạch hóa theo phương thức hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa.
  • Đổi mới về nội dung và cách thức công nghiệp hóa, thực hiện 3 chủ trương kinh tế:
    • Sản xuất lương thực, thực phẩm
    • Sản xuất hàng tiêu dùng
    • Sản xuất hàng xuất khẩu.
Đổi mới về chính trị
  • Đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, đổi mới quản lý và điều hành của nhà nước cho phù hợp với cơ cấu và cơ chế kinh tế mới.
  • Đổi mới về quan hệ hợp tác quốc tế theo hướng mở, kêu gọi hợp tác và đầu tư nước ngoài.